Theo hãng tin Reuters, hacker đã tấn công vào hệ thống máy tính tại ngân hàng JPMorgan Chase&Co (JPM.N) và lấy cắp một khối lượng dữ liệu khổng lồ gồm tên, địa chỉ, số điện thoại và địa chỉ email của 83 triệu tài khoản cá nhân và doanh nghiệp. Đây được coi là vụ đánh cắp dữ liệu lớn nhất trong lịch sử.
Ngân hàng đã phát hiện ra sự cố này vào ngày thứ Năm tuần này (ngày 2/10). Tuy nhiên JPMorgan cho biết hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy số tài khoản, mật khẩu, ID người dùng, ngày sinh nhật, số thẻ an sinh xã hội… của khách hàng bị công khai. Ngoài ra, JPMorgan cũng chưa gặp phải giao dịch bất thường nào liên quan đến 83 triệu tài khoản bị lộ.
Những nạn nhân bị ảnh hưởng phần lớn là chủ thẻ, những tài khoản cũ và những tài khoản đã lưu lại thông tin liên lạc tại các website trực tuyến, website di động của ngân hàng. Các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo vụ rò rỉ có thể sẽ khiến tỷ lệ các vụ án ngày một tăng do những kẻ lừa đảo đã sử dụng nhiều hình thức lừa đảo khác nhau. "Khách hàng của JPMorgan phải đề cao cảnh giác vì mọi thông tin của họ đều có giá trị với tin tặc và tội phạm", Mark Rasch, một cựu công tố viên về tội phạm mạng cho biết.
Tal Klein, phó chủ tịch hãng bảo mật Adallom, cho rằng vụ việc này có thể sẽ khiến khách hàng cảm thấy bất an về vấn đề bảo mật thông tin trong các ngân hàng và doanh nghiệp.
"Hacker có thể nhận dạng danh tính của 83 triệu doanh nghiệp và người dùng. Đó là mối lo lớn nhất", ông nói." Trước đây, chúng ta thường giả định những hãng bị rò rỉ dữ liệu thường chểnh mảng bảo mật song JPMorgan lại có chương trình hiện đại và đầu tư rất mạnh vào lĩnh vực này", Tal Klein nhận định.
Tuy vậy, JPMorgan lại khuyên khách hàng rằng họ không cần phải thay đổi mật khẩu hoặc thông tin tài khoản.
Cuối tháng Tám, JPMorgan đã hợp tác với các nhà thực thi pháp luật Mỹ để điều tra về một vụ tấn công mạng có khả năng xảy ra. Với cuộc tấn công trên, có thể phải mất vài tháng, tập đoàn này mới tìm ra được lý do tại sao dữ liệu người dùng lại biến mất.